Những cuộc trò chuyện với cậu con trai nhỏ khiến tôi học được nhiều bài học ý nghĩa

Cập nhập tin tức sự kiện, phản ánh đầy đủ chuyển động kinh tế, xã hội Việt Nam, thế giới trong 24h qua.

Từ khi con trai đầu lòng của tôi sinh ra, tôi đã học được nhiều điều từ con mình. Nếu bạn chưa làm cha làm mẹ, có lẽ bạn sẽ ngạc nhiên tự hỏi rằng: “Trẻ con ngây thơ và non nớt vậy thì làm sao đủ sâu sắc để giúp người lớn học được bài học cuộc sống?”.

Tuy nhiên, trẻ thơ có thể dạy cho người lớn chúng ta rất nhiều điều. Và phần lớn những bài học ấy được đưa ra trong vô thức, điều ấy có nghĩa rằng ta học được vô vàn điều hữu ích khi quan sát những hành vi tự nhiên của trẻ em. Bởi lẽ mọi hành động của các con đều thuần túy, không bị che lấp bởi sự sợ hãi, đố kỵ, tự cao… – những cảm xúc chỉ có ở người lớn.

Bên cạnh đó, các bậc cha mẹ cũng có thể học được nhiều điều lý thú khi con mình lớn hơn một chút, khi chúng đã biết nói. Trẻ con thường nói những lời ngây ngô, khó hiểu thế nhưng cũng không thiếu những lời lẽ hài hước và cực kỳ sâu sắc.

Tôi chẳng biết khi con lớn lên thì việc giao tiếp giữa chúng tôi có gặp khó khăn gì hay không nhưng hiện tại tôi tìm thấy nhiều điều thú vị khi trò chuyện với cậu con trai 6 tuổi của mình. Russel M. Nelson đã từng nói rằng: “Cha mẹ và thầy cô đều cần học cách lắng nghe để lắng nghe nhiều điều từ những đứa trẻ”.

Cha mẹ và thầy cô là những người dạy dỗ, giáo dục cho các bé, thế nhưng ngược lại chính những mầm non mới nhú ấy cũng có thể dạy cho người lớn chúng ta nhiều điều ý nghĩa. Dưới đây là 3 điều tuyệt vời mà con trai nhỏ đã giúp tôi nhận ra:

1. Con người chúng ta giống như những miếng bọt biển


Trẻ tiếp thu mọi thứ chúng gặp trong cuộc sống. Chẳng cần biết thế giới xung quanh như thế nào, con trai tôi nhận biết và tiếp thu mọi điều và hành động ấy sẽ làm thay đổi cách mà con nói, hành động và phản ứng với những người bên cạnh. Và chu trình ấy không hề dừng lại ở thời thơ ấu, nó vẫn theo chúng ta đến tận khi chúng ta trưởng thành, chỉ có điều chúng ta khó mà nhận biết được sự thật ấy.

Trạng thái này chẳng khác nào một miếng bọt biển với đặc tính hấp thụ mọi thứ ở quanh nó. Và nó cũng tạo ra ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của chúng ta sau này. 3 ảnh hưởng quan trọng mà quá trình hấp thu ấy tạo ra bao gồm:

+ Những người bạn gắn bó sẽ định nghĩa con người mai sau của bạn.

+ Những điều bạn nghe, đọc và xem sẽ ảnh hưởng đến cảm xúc của bạn về chính bản thân, về thế giới xung quanh và thay đổi cả cách cư xử của bạn.

+ Sự kết hợp của cả 2 điều trên sẽ thay đổi hoàn toàn nhận thức của bạn về cuộc sống.

Tôi đã hiểu ra được chân lý ấy, vì vậy tôi luôn cẩn trọng với mọi thứ trong cuộc sống của con, quan sát con xem gì từ các chương trình TV, con chơi những trò chơi nào, con kết bạn với ai… Tôi để tâm đến tất cả mọi thứ mà con “hấp thu” – theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng bởi tôi biết những thứ ấy sẽ định hình con người của con.

2. Quan điểm của một người có thể thay đổi mọi thứ trong cuộc sống


Trẻ thơ thường nhìn cuộc sống này dưới lăng kính khác người lớn chúng ta, chính điều này khiến chúng ta rơi vào kiểu nhận thức sai lầm rằng các con đã sai lệch về mặt nhận thức. Tuy nhiên, nếu bạn dụng tâm quan sát, bạn sẽ nhận ra sự thật không như chúng ta vẫn nghĩ.

Khi trò chuyện với con, tôi nhận ra rằng đôi khi bé sẽ đưa tôi vào “ngõ cụt”. Chúng tôi thường cùng nhau bàn luận về một vài khía cạnh của cuộc sống. Tôi dạy con về những điều mới mẻ mà con chưa biết hoặc nhắc lại những kiến thức con được học ở trường lớp như các nền văn hóa khác biệt, chiến tranh và xung đột hoặc một chút kiến thức khoa học… Và con sẽ hỏi một câu khiến tôi sững sờ vì nó hoàn toàn ngược lại với những gì tôi biết.

Trên thực tế, quan điểm khác biệt của trẻ không ảnh hưởng nhiều đến cách chúng ta suy nghĩ hay thay đổi những điều ta đã biết. Trẻ con hoàn toàn thuần khiết, chúng không bị những cảm xúc phức tạp chi phối như người lớn. Chúng chỉ đơn thuần nghĩ rằng không nên nói dối, đối xử tệ hay làm tổn thương mọi người, mọi vật xung quanh chỉ vì chúng ta cảm thấy tức giận, bất bình hay không được tôn trọng.

Với tư cách là những con người trưởng thành, chúng ta nên học hỏi từ những đứa trẻ ngây thơ ấy. Nếu làm được điều đó, chúng ta không chỉ vui vẻ, hạnh phúc hơn (niềm vui ấy sẽ lan tỏa đến cả những người quanh ta) mà còn giúp chúng ta sáng tạo hơn, giải quyết mọi rắc rối hiệu quả hơn. Đó là một kỹ năng tuyệt vời!

3. Biểu lộ cảm xúc ra ngoài giúp bạn có được hạnh phúc


Con trai thứ hai của tôi năm nay 4 tuổi và đôi khi bé gặp khó khăn trong việc bộc lộ cảm xúc bản thân. Con đã ở độ tuổi có thể nói chuyện trôi chảy nhưng đôi khi con không biết cách diễn tả những điều mình muốn nói như thế nào.

Khi con trai tôi nói chuyện mà gặp một từ bé chưa biết thì bé sẽ vô cùng chán nản bởi vì bé không biết tìm cách nào để truyền tải cảm xúc của mình cho mọi người. Cũng vì không truyền tải được cảm xúc, những đứa trẻ sẽ cảm thấy khổ sở, bực bội (đó cũng là lý do các bé sơ sinh thường xuyên khóc trong mọi trường hợp) và điều đó cũng ảnh hưởng đến cách suy nghĩ và cảm nhận của trẻ.

May mắn rằng giai đoạn khó chịu ấy chỉ diễn ra trong thời gian ngắn, đứa trẻ nào cũng sẽ nhanh chóng phát triển khả năng ngôn ngữ hoàn thiện. Chúng ta đều sẽ nói năng trôi chảy và có thể thoải mái truyền đạt ý nghĩ của mình qua lời nói khi ở tuổi đến trường. Tuy nhiên, có một sự thật đáng buồn rằng người trưởng thành cũng vẫn gặp phải trường hợp không thể diễn đạt ý nghĩ bằng lời nói tương tự như trẻ nhỏ.

Nhiều người trong chúng ta gặp khó khăn trong việc biểu lộ cảm xúc bản thân ra ngoài. Khi bạn không thể diễn đạt thành lời những điều bạn đang nghĩ, sức khỏe tinh thần và thể chất của bạn đều bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Khi ai đó khiến bạn tức giận, liệu bạn sẽ hét vào mặt họ hay cố gắng giải thích với họ để họ hiểu cảm giác của bạn? Khi bạn sợ hãi, liệu bạn muốn giữ chặt trong lòng hay tâm sự với ai đó để tiếp sức mạnh cho bản thân? Suy cho cùng, bạn càng nắm rõ cách biểu lộ cảm xúc bản thân thì bạn càng đến gần với cánh của hạnh phúc.

Theo Blog Tâm Sự
Thêm đánh giá

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Back to Top