Trở thành tỷ phú trẻ từ lươn giống của chàng trai trẻ Vĩnh Long
A
A
Cập nhập tin tức sự kiện, phản ánh đầy đủ chuyển động kinh tế, xã hội Việt Nam, thế giới trong 24h qua.
Đưa tay lựa chọn những con lươn giống khỏe mạnh đang tung tăng trong bể chứa, ông Nguyễn Văn Tám, 55 tuổi ngụ huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp kể với chúng tôi: “Trước đây tôi chuyên nuôi ếch Thái nhưng thu hoạch không ổn định, đầu ra sản phẩm rất bấp bênh, lại phụ thuộc rất nhiều vào thương lái.
Nghe nhiều người mách nước, tôi sang đây dự kiến mua khoảng 5.000 con lươn giống của anh Tân về nuôi, hy vọng sẽ thành công bởi xóm tôi đã có rất nhiều người làm giàu từ nguồn giống tại đây”.
Anh Nguyễn Thanh Tân |
Trại lươn giống mà ông Tám đang đến giao dịch mang tên Thanh Tân, tọa lạc tại ấp Bình Hòa 1, xã Bình Hòa Phước, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long.
Kể về cơ duyên đến với nghề sản xuất lươn giống, anh Nguyễn Thanh Tân 39 tuổi kể rất hào hứng : “ Thấy vậy chớ hồi đầu “te tua” lắm vì thiếu kinh nghiệm, 3 năm đầu thất bại lỗ cả trăm triệu, tưởng đâu phá sản rồi. May mà tôi không nản chí bởi “thất bại là mẹ thành công”. Vậy là nghiên cứu, mày mò, sáng tạo và đã thành công như hôm nay”.
Vốn xuất thân là một cán bộ KHKT, từ nhỏ anh Tân đã rất đam mê nuôi các loại thủy sản có giá trị kinh tế cao như : cá trê vàng lai, cá ba sa, cá lóc, ếch…đặc biệt là lươn. Tuy nhiên ước mơ ấy đã không thành khi anh đảm nhận chức danh giám đốc kinh doanh của một công ty nước ngoài chuyên kinh doanh dừa tại Bến Tre khi mới 29 tuổi kèm theo mức lương xấp xỉ 30 triệu đồng mỗi tháng.
Năm 2010, anh quyết định xin thôi việc để về quê nhà để theo đuổi ước mơ của mình. Và con lươn giống lẫn lươn thành phẩm là mục tiêu hướng đến của mình.
Lý giải về hướng đi khá mới mẽ nầy, anh Tân cho biết : “Tôi nghĩ lươn thương phẩm hiện nay bán rất có giá trên thương trường; người nuôi rất ít so với các loại thủy sản khác nên giá cả rất ổn định, không dội hàng. Cạnh đó nếu thành công thì nguồn lãi thu về rất lớn, độ rủi ro thấp; không cần quá nhiều diện tích đất để kinh doanh; rất dễ mở rộng thị trường trong và ngoài nước”.
Ban đầu anh thuê 200 mét vuông đất để thả nuôi 200 ký lươn con mua tại tỉnh An Giang với giá 70 triệu đồng. Sau 10 tháng nuôi lươn chết hơn 60%, 20 % còn lại không tăng trưởng như mong muốn. Lần nuôi đầu tiên anh đã lỗ 60 triệu đồng. Không nản chí anh tiếp tục nuôi lần 2 với những giải pháp tốt hơn. Tuy nhiên anh vẫn đã chấp nhận lỗ xấp xỉ 30 triệu đồng. Đến lần thứ 3 năm 2012, bằng nhiều cach làm hiệu quả và từ kinh nghiệm thực tế sau 2 lần thất bại anh đã thành công với tỉ lệ hao hụt xấp xỉ 5% và lươn lớn rất nhanh, khỏe, màu sắc óng ánh, thịt chắc, thơm ngon.
Hiện nay, thức ăn cho lươn là sản phẩm công nghiệp chất lượng cao luôn đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm nên rất được thương lái ưa chuộng. Đây cũng là điều kiện cơ bản quan trọng để lươn giống Thanh Tân tìm đường xuất ngoại.
Lươn giống trong bể nuôi của anh Tân |
Tiếng lành đồn xa. Nhiều người nuôi từ các tỉnh ĐBSCL, miền Đông Nam bộ đã tìm đến mua lươn giống từ trại Thanh Tân. Trước xu hướng phát triển khá thuận lợi, anh Tân đã chuyển hướng tập trung vào việc sản xuất lươn giống con từ những cặp bố mẹ có tại trang trại của mình và mở rộng diện tích nuôi lên 2.000 mét vuông, nhiều gấp 10 lần so với trước với trên 40 bể nuôi, mỗi bể có diện tich 4 mét vuông.
Bà Trần Thị Lài, ngụ huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau vui vẻ khoe : “Tui mần ăn với cháu Tân đã 3 năm, lời dữ lắm vì lươn giống tại đây chất lượng cao, mau lớn, không bị hao hụt. Đã vậy có gì chưa ổn thì cứ “a lô” là được cháu Tân tư vấn rất cụ thể, rõ ràng, trách nhiệm. Mà đâu chỉ có gia đình tui, xóm nầy ai cũng nuôi lươn từ cơ sở Thanh Tân, lời nhiều hơn nuôi cá, nuôi tôm lắm”.
Từ năm 2014 đến nay, mỗi năm anh xuất bán khoản 1.000.000 con giống với giá bán từ 2.000 đến 4.000 đồng/con, sau khi trừ hết chi chi phí thức ăn, tiền thuê người lao động, tiền vận chuyển…anh còn lãi xấp xỉ 1 tỷ đồng. Riêng năm 2017, do giá lươn giống tăng đột biến, anh đã lãi trên 1,2 tỷ đồng, cao nhất từ trước đến nay.
Không chỉ làm giàu cho bản thân và gia đình, anh Nguyễn Thanh Tân còn tạo việc làm thường xuyên cho 5 lao động có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, gia đình chính sách với mức lương bình quân 5 triệu đồng/người.
Thương lái đến đặt hàng |
Ông Nguyễn Hùng Dũng, chủ tịch Hội Nông dân xã Bình Hòa Phước, huyện Long Hồ không giấu được sự ngưỡng mộ khi kể về anh Tân : “Đây là người thanh niên tiêu biểu cho sự cần cù, đam mê, sáng tạo, không đầu hàng trước mọi khó khăn dẫn đến thành công. Cạnh đó anh Tân là người có tấm lòng nhân ái bởi hàng năm anh tự đóng góp nhiều tiền, quà tặng cho bà con nghèo, học sinh có hoàn cảnh khó khăn; xây dựng cầu đường nông thôn”.
Điều làm chúng tôi vô cùng ngạc nhiên là trong năm 2017, cơ sở Thanh Tân đã xuất ngoại được 16.000 con lươn giống chất lượng cao sang 2 thị trường châu Á được xem là khó tính là Nhật Bản và Hàn Quốc. Năm nay, dự kiến lươn “ xuất ngoại” của anh Tân sẽ lên đến 100.000 con, mở ra con đường làm ăn mới rất lạc quan.
Trao đổi với chúng tôi, anh Tân cho biết đã đầu từ thêm 4.000 mét vuông để nhân đôi qui mô sản xuất, dự kiến cung ứng ra thị trường 2 triệu con giống; mở đại lý cung cấp lươn giống “Thanh Tân” tại các tỉnh phía Bắc.
Cách khởi nghiệp của chàng thanh niên Nguyễn Thanh Tân quả đáng trân trọng bởi hiệu qủa mang lại rất cao. Và trong khi nhiều loại thủy sản đang loay hoay với bài toán “trúng mùa rớt giá” hoặc “Rớt mùa, trúng giá” hay bị ép gía, dội hàng từ thị trường Trung Quốc thì mô hình nuôi lươn giống để cung ứng nguồn lươn thương phẩm cho thị trường giúp người nuôi có nguồn lãi cao và ổn định quả là tín hiệu rất đáng mừng.
TRƯƠNG THANH LIÊM