Sự khác biệt về tiền tip ở Việt Nam và thế giới
A
A
Cập nhập tin tức sự kiện, phản ánh đầy đủ chuyển động kinh tế, xã hội Việt Nam, thế giới trong 24h qua.
Ở Việt Nam tiền tip tùy tâm, đôi khi để chứng tỏ đẳng cấp nhưng nhiều nước số tiền này là bắt buộc.
Tiền tip là gì?
Thuật ngữ tiền tip bắt nguồn từ các nước phương Tây. Ban đầu nó là khoản tiền nhỏ với mong muốn chia sẻ gánh nặng với những người lao động, phục vụ có thu nhập thấp. Lâu dần tiền tip trở nên phổ biến trong các ngành dịch vụ. Nhiều quốc gia thậm chí còn có những luật lệ riêng liên quan đến khoản tiền này.
Ở Việt Nam, tiền tip được biết đến với tên gọi quen thuộc hơn là “tiền bo". Thuật ngữ này bắt nguồn từ “pour boire” trong văn hoá Pháp. Ngày nay nhiều người miền Nam vẫn dùng khái niệm này nhằm chỉ khoản tiền nhỏ để cảm ơn người phục vụ.
Tiền tip dần trở thành một nét văn hoá thú vị trên phạm vi toàn cầu. Mà văn hoá thì có tính động và cần ứng xử một cách linh hoạt. Một tập tục có thể phù hợp với dân tộc này nhưng lại là điều cấm kỵ ở một nơi khác, tiền tip trong văn hoá du lịch cũng không nằm ngoài quy luật ấy.
Cụ thể, tiền tip ở Mỹ được xem là khoản bắt buộc trong các nhà hàng, chúng được tính trực tiếp 15-20% vào hoá đơn. Ở Pháp, tiền tip cũng được tính vào 15% hoá đơn nhưng du khách vẫn nên để lại vài đồng lẻ để cảm ơn nhân viên phục vụ. Ở các nước châu Âu khác tiền tip không bắt buộc.
Sự khác biệt về tiền tip ở Việt Nam và thế giới
Không chỉ tip đến 900 USD, một khách hàng ở Mỹ còn gửi lời chúc phúc đến nhân viên phục vụ. Ảnh: CNN.
Ngược lại một số quốc gia lại nói không với tiền tip. Ở Nhật Bản hay Italy việc để lại tiền tip được xem là điều bất thường và không tôn trọng người phục vụ, hoặc thầm ám chỉ nhà hàng trả lương thấp cho nhân viên. Một số quốc gia thậm chí còn đưa ra những quy định về việc cấm nhân viên nhận tiền tip.
Nhiều nước như Hàn Quốc, Thái Lan, Đan Mạch, Australia… lại không quá quan trọng về tiền tip, có hay không đều được.
Hoàng Lê Giang, người từng đi du lịch rất nhiều nơi và có thời gian dài sinh sống và học tập ở Thuỵ Điển chia sẻ: “Văn hoá tiền tip rất thú vị, nó nói lên nhiều điều về bạn và nơi bạn đến". Mỗi nước sẽ có một quy định riêng nên trước khi du lịch đến một quốc gia nào đó, bạn cũng cần tìm hiểu về văn hoá của họ.
Thậm chí mỗi nơi lại có những quy định khác nhau về việc chia khoản tiền này như thế nào. “Thời gian mình làm phục vụ trong một nhà hàng nhỏ ở Thuỵ Điển, cuối ngày tiền tip được chia đều cho mọi người. Còn ở Việt Nam thì ai được tip người đấy nhận hết hoặc người đầu bếp không được nhận khoản tiền này", Hoàng Lê Giang chia sẻ.
Người Việt với văn hoá tiền tip
“Khoảng 70% du khách Việt không có thói quen hoặc tỏ ra bị ép buộc khi được đề cập đến tiền tip", Nguyễn Mai Vân, người có 6 năm trong ngành hướng dẫn viên du lịch nhận định.
Ở Việt Nam tiền tip là khoản không bắt buộc. Việc bồi dưỡng hay không phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, trong vài trường hợp “tiền bo" thậm chí còn hàm ý tiêu cực. Theo những người làm du lịch lâu năm, văn hóa tiền tip ở Việt Nam khá đặc biệt, có sự khác biệt theo vùng miền, nhóm khách hàng và loại hình dịch vụ.
Ở các khách sạn 5 sao hoặc nhà hàng cao cấp, tiền tip thường được tính trực tiếp vào hoá đơn nhưng khách hàng vẫn sẵn sàng “bo” thêm nếu thấy hài lòng. Nhưng với những nhà hàng, dịch vụ bình dân thì hầu như không có khoản tiền này dù chất lượng phục vụ tốt, nhân viên nhiệt tình. “Đôi khi tiền tip còn là cách để người ta chứng tỏ đẳng cấp của mình", Mai Hân nói.
Đó là văn hoá tiền tip của người Việt khi ở trong nước. Người Việt khi du lịch nước ngoài cũng có những ứng xử thú vị về khoản tiền nhỏ này. Chị Tú Uyên, một hướng dẫn viên thời vụ ở Singapore chia sẻ: “Những khách đi theo đoàn thường cho rằng tiền tip đã tính trong phí trọn gói. Khách gia đình thì bồi dưỡng thêm nếu đến cuối chuyến đi họ cảm thấy vui vẻ".
Thậm chí nhiều người Việt còn có những cách bồi dưỡng rất vui như mang theo một món đồ đặc trưng ở quê nhà để tặng. Một số bạn trẻ còn vẽ tranh, chụp ảnh hoặc mời cả hướng dẫn viên đi chơi chung để cảm ơn.
Những luật bất thành văn khi tip tiền trên đường du lịch
Người Việt Nam có câu “của cho không bằng cách cho", điều này vẫn đúng với văn hoá tip khi đi du lịch. Trước tiên bạn cần tìm hiểu về văn hoá tiền tip ở nơi mình sắp đến, bồi dưỡng cho phục vụ không phải lúc nào cũng đúng. Nếu trong hoá đơn của bạn đã bao gồm khoản tiền này thì bạn không cần tip thêm. Trong một vài trường hợp bạn cũng nên bỏ tiền vào một phong bì nhỏ rồi gửi lại cho nhân viên.
Bạn cũng cần đảm bảo không bỏ sót người nào trong nhóm phục vụ. Tiền tip của mỗi người thậm chí cũng có những mức riêng. Theo Business Insider, tiền tip cho nhân viên khuân vác thường là 2-5 USD. Nhân viên trực cửa là 1-5 USD và nên đưa vào ngày đầu đến khách sạn. Nhân viên dọn phòng 2-5 USD mỗi đêm. Nhân viên dọn bàn 5 USD. Nhân viên nhà hàng, quán ăn thì tuỳ vào chất lượng phục vụ để bạn làm tròn hoá đơn hoặc bồi dưỡng thêm.
Luôn tỏ ra vui vẻ khi đưa tiền tip. Ảnh: Rick Steves. |
Theo VnExpress