CEO Nguyễn Thị Thu Hà: Giấc mơ khởi nghiệp vươn ra thế giới từ đồ thủ công
A
A
Cập nhập tin tức sự kiện, phản ánh đầy đủ chuyển động kinh tế, xã hội Việt Nam, thế giới trong 24h qua.
Từ bỏ công việc tiếp viên trưởng của một hãng hàng không lớn tại Việt Nam, chị Nguyễn Thị Thu Hà từng cùng chồng điều hành một công ty chuyên sản xuất nón thời trang có tiếng tại TP. HCM. Rồi chị "ôm khó” vào mình khi "ra riêng" để gầy dựng thương hiệu túi xách Ahanaba với giấc mơ hàng hiệu từ những chiếc túi thủ công.
Ấp ủ từ nhiều năm trước nhưng mãi đến năm 2016, những chiếc túi Ahanaba được làm từ vỏ cây và sợi tổng hợp mới ra mắt người tiêu dùng. Chị Nguyễn Thị Thu Hà - người sáng lập đồng thời cũng là CEO của Ahanaba - cho biết đây là thương hiệu chị xây dựng với mong muốn khẳng định cùng làng thời trang thế giới rằng Việt Nam hoàn toàn có thể làm ra được các sản phẩm hàng hiệu từ nghề thủ công truyền thống.
"Có một thực tế là kỹ thuật thủ công của Việt Nam rất tinh xảo và được nhiều thương hiệu cao cấp tin tưởng lựa chọn làm đối tác gia công, nhưng chúng ta vẫn chưa tạo được dấu ấn riêng cho hàng thủ công cao cấp mang thương hiệu Việt. Với Ahanaba, tôi có niềm tin rằng vào một ngày nào đó, phụ nữ Việt Nam sẽ tự tin mang những chiếc túi xách thủ công do chính người Việt làm ra để dạo bước tại các kinh đô thời trang lớn", chị Thu Hà chia sẻ.
Niềm tin ấy được chị gửi gắm vào mỗi chiếc túi Ahanaba với bao tâm huyết và khát khao. Hơn 1 năm qua, với niềm say mê sáng tạo, chị đã mày mò thiết kế 17 mẫu túi đan và 19 mẫu túi móc bằng sợi làm từ vỏ cây và sợi tổng hợp "có một không hai" trên thị trường. Túi có dáng cứng cáp cùng những đường nét trang trí sắc sảo và thanh lịch.
Đôi bàn tay tài hoa của những người thợ thủ công lành nghề đã tạo nên những gam màu tinh tế, giá trị riêng cho từng chiếc túi của Ahanaba. Điều này như một lời khẳng định túi xách thủ công không chỉ là món đồ tiện dụng khi đi biển hay phụ kiện đơn giản khi dạo phố mà còn giúp phụ nữ tỏa sáng trong đêm tiệc hay thanh lịch hơn trong những ngày đi làm, gặp gỡ đối tác hay tham gia các sự kiện thời trang v.v..
Không chỉ tạo sự khác biệt bằng chính chất liệu, kỹ thuật và tay nghề của các nghệ nhân, Ahanaba còn thể hiện sự khác biệt ở ngay chính thương hiệu. Chị Thu Hà cho biết, Ahanaba được ghép từ tên chị (ha) cùng với chữ viết tắt của hai miền Nam (na), Bắc (ba) và thêm chữ "A" ở đầu để khi đọc lên sẽ có cảm giác như tên của một hòn đảo nào đó.
Chị muốn khi sử dụng sản phẩm, khách hàng nhớ đến tên của thương hiệu đã giúp họ tỏa sáng dù trong bất kỳ sự kiện hay môi trường nào. Nhờ vào chiếc túi thời trang "handmade" từ các nghệ nhân Việt, khách hàng sẽ cảm thấy tự tin hơn, không bị lẫn vào đám đông.
Túi xách Ahanaba là sản phẩm thủ công nên người làm phải tỉ mẩn từng chút một. Chỉ cần lơ là một chút, phom dáng của sản phẩm sẽ bị lệch lạc. Hơn nữa, tại Việt Nam chưa có nơi nào làm túi xách thủ công cao cấp nên không có một hình mẫu nào để có thể học theo. Mọi thứ chị Thu Hà phải tự nghiên cứu và thiết kế.
Lên ý tưởng, thiết kế sản phẩm đã mất một quãng thời gian dài, nhưng để hoàn thành một sản phẩm hoàn hảo cho người yêu thích cái đẹp, các nghệ nhân phải mất thêm một tuần lễ nữa. "Khi cầm chiếc túi đầu tiên do các nghệ nhân tạo ra, tôi đã rơi nước mắt vì nó quá đẹp. Tôi cảm thấy quá đỗi tự hào vì nghề truyền thống được gìn giữ và qua đó thể hiện tài năng của người Việt Nam không thua bất kỳ người nước nào trên thế giới", chị Thu Hà chia sẻ.
Chị Thu Hà cũng xác định sẽ gặp không ít khó khăn. Đó là tâm lý tiêu dùng của người Việt Nam, làm sao để họ hiểu và chấp nhận hàng hiệu Việt Nam khi tâm lý chuộng hàng ngoại vẫn còn phổ biến? Làm sao để khách hàng hiểu rằng Việt Nam hoàn toàn có thể làm được các sản phẩm vừa đẹp, vừa chất lượng, có thể sánh với hàng hiệu thế giới? Đó là những câu hỏi khó tìm câu trả lời nhưng chị tin không phải không giải quyết được.
"Chính những sản phẩm của Ahanaba là câu giải đáp. Chiếc túi làm từ da thật sẽ khó vệ sinh, nhưng với túi Ahanaba, khách hàng có thể tẩy, giặt mà sản phẩm không bị bay màu. Với Ahanaba, bạn sẽ cảm nhận được những điều tinh tế, cuốn hút của một sản phẩm thủ công thân thiện với môi trường", chị Thu Hà nói.
Đánh giá của chị đã có những kiểm chứng ban đầu. Cách nay gần 1 năm, các sản phẩm Ahanaba được bán thử nghiệm tại 2 cửa hàng nón Sơn ở TP. HCM và nhận được phản hồi tích cực. Nhiều khách hàng tại TP.HCM và một số khách nước ngoài đã lựa chọn Ahanaba và đặt vấn đề về mẫu mã mới. Với hiệu ứng tích cực đó, cuối tháng 3 vừa qua, chị Hà quyết định mở 1 boutique Ahanaba tại TP.HCM. Và, không dừng lại ở một điểm bán, Ahanaba sẽ có boutique thứ hai, thứ ba trong năm nay.
Ra đời sau hơn 5 năm ấp ủ, tâm huyết thể hiện được thế mạnh của nghề đan móc thủ công Việt Nam, điều khiến chị Thu Hà hạnh phúc nhất là Ahanaba đang góp phần tôn vinh các nghệ nhân - những "bậc thầy" của nghệ thuật thủ công tại các làng nghề truyền thống Việt Nam. Vui hơn nữa là dù mới ra thị trường nhưng đã có đối tác đặt vấn đề đưa Ahanaba qua Nhật, tuy nhiên chị muốn chinh phục thị trường trong nước trước khi đưa sản phẩm xuất ngoại.
Thanh Ngân (Doanh Nhân Sài Gòn)